Học thuyết Giả thuyết thế giới công bằng

Lerner giải thích phát hiện của các nghiên cứu trên bằng giả thuyết có một niềm tin phổ biến vào thế giới công bằng. Trong một thế giới công bằng, người ta có thể đoán trước được hệ quả tương ứng của hành vi và điều kiện, hay hành vi hoặc tính cách của các cá nhân. Vai trò xã hội của những điều kiện cụ thể (tương ứng với hệ quả nhất định) được xác định bằng chuẩn mực và hệ tư tưởng. Lerner cho rằng niềm tin thế giới công bằng hoạt động khá hiệu quả: nó duy trì ý niệm rằng người ta có thể đoán trước được những ảnh hưởng của họ với thế giới. Niềm tin này đóng vai trò "hợp đồng" về hệ quả của hành vi giữa con người với thế giới. Vì vậy, họ tạo lập kế hoạch cho tương lai và thực hiện những hành vi có mục đích và hiệu quả. Năm 1980, Lerner tổng hợp những phát hiện và lý thuyết của ông trong chuyên khảo Niềm tin thế giới công bằng: Một ảo tưởng cơ bản.[7]

Lerner cho rằng niềm tin thế giới công bằng có vai trò rất quan trọng trong việc tự duy trì hạnh phúc. Tuy nhiên, hàng ngày người ta phải đối mặt với vô số bằng chứng cho thấy thế giới không hề công bằng: những đau khổ của họ không có nguyên nhân rõ ràng. Theo ông, họ sẽ sử dụng các phản ứng, hợp lý hoặc không hợp lý, để loại bỏ những gì có thể đe doạ niềm tin thế giới công bằng của họ. Những cách hợp lý gồm chấp nhận thực tế, cố gắng ngăn chặn bất công hoặc hoàn trả cảm xúc, tự chấp nhận sự hạn chế của bản thân; còn những cách phi lý có từ chối tin, đầu hànglý giải (hay tự hợp lý hóa) sự kiện.[10]

Kết quả, nguyên nhân và/hoặc tính cách có thể bị tái diễn giải để trở nên phù hợp với niềm tin thế giới công bằng. Nếu phải quan sát những người vô tội đau khổ và bị đối xử bất công, người quan sát có thể tái sắp xếp nhận thức về sự kiện bằng cách giải thích nạn nhân đáng bị như vậy.[1] Cụ thể hơn, họ sẽ đổ lỗi cho nạn nhân vì các hành vi và/hoặc tính cách.[8] Trọng tâm của nhiều nghiên cứu tâm lý về niềm tin thế giới công bằng là phân tích các hiện tượng xã hội tiêu cực như đổ lỗi và sỉ nhục nạn nhân trong các bối cảnh khác nhau.[2]

Một tác dụng phụ của lối tư duy này là người ta sẽ ít bị tổn thương hơn, vì họ không tin rằng các hành vi trước đó của họ sẽ dẫn đến những kết quả tiêu cực.[2] Điều này có liên quan đến khái niệm thiên kiến tự đề cao của tâm lý học xã hội.[11]

Nhiều nhà nghiên cứu coi niềm tin thế giới công bằng là một ví dụ của quy kết nhân quả. Những người đổ lỗi cho nạn nhân đã quy kết nguyên nhân của sự việc cho chính cá nhân, dù đáng lẽ là tình huống. Do đó, có thể giải thích, hoặc liên hệ niềm tin này với những dạng thức quy kết nhân quả cụ thể.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giả thuyết thế giới công bằng http://inesad.edu.bo/developmentroast/wp-content/u... http://web.mit.edu/curhan/www/docs/Articles/biases... http://www.units.muohio.edu/psybersite/justworld/i... //citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/summary?doi=10.1.1... //citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/summary?doi=10.1.1... //citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/summary?doi=10.1.1... http://www.scu.edu/ethics/publications/iie/v3n2/ju... http://www.peplaulab.ucla.edu/Publications_files/R... http://www.peplaulab.ucla.edu/Publications_files/R... http://www.lps.univ-savoie.fr/uploads/PDF/576.pdf